Sáng 15/10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị đối thoại trực tuyến với phụ nữ Việt Nam về chủ đề “Thúc đẩy bình đẳng giới và phát huy vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế - xã hội”. Hội nghị kết nối đến 63 điểm cầu trong cả nước với sự tham gia của hơn 5.000 cán bộ, hội viên phụ nữ.

Đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu UBND tỉnh Hải Dương
Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Hải Dương có các đồng chí: Lê Văn Hiệu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Nguyễn Minh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo một số sở, ban, ngành của tỉnh, đại diện hội viên, phụ nữ của tỉnh.
Phát biểu đề dẫn hội nghị đối thoại, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, phụ nữ Việt Nam qua các thời kỳ luôn có những đóng góp to lớn đối với sự phát triển của đất nước. Điển hình trong đại dịch Covid-19 vừa qua, cán bộ, hội viên phụ nữ vừa làm tròn vai trò người mẹ, người vợ trong gia đình, vừa thực hiện tốt vị trí công việc và tích cực tham gia các hoạt động xã hội.
Thời gian qua, Đảng và Chính phủ luôn quan tâm đến sự phát triển và bình đẳng giới đối với phụ nữ thông qua các cơ chế, chính sách hỗ trợ dành cho phụ nữ, nhất là trong phát triển kinh tế, khởi nghiệp, đào tạo nghề; góp phần đưa phụ nữ Việt Nam ngày càng phát triển, khẳng định vị thế.
Hội nghị đối thoại lần này là cơ hội để cán bộ, hội viên phụ nữ chia sẻ khó khăn, vướng mắc trong cuộc sống xoay quanh 3 vấn đề: “Phụ nữ với phát triển kinh tế”, “Phụ nữ và các vấn đề an sinh xã hội, bình đẳng giới”, “Phụ nữ và thế hệ tương lai”. Qua đó, các bộ ngành Trung ương cùng vào cuộc, đánh giá vấn đề đã làm tốt và chưa hiệu quả để đề xuất phương án giải quyết, đảm bảo không hội viên phụ nữ nào bị bỏ lại phía sau.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Hùng thay mặt lãnh đạo tỉnh tặng hoa chúc mừng đại diện lãnh đạo Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh nhân Ngày Phụ nữ Việt Nam.
Tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ cùng lãnh đạo các bộ, ngành đã giải đáp nhiều ý kiến của kiến nghị phụ nữ về các vấn đề đang được quan tâm hiện nay như: giải pháp hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, những khó khăn trong phát triển HTX do phụ nữ làm chủ, phát huy vai trò và sự đóng góp của phụ nữ trong quá trình xây dựng nông thôn mới; giải pháp nhằm thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực khoa học – công nghệ; tỷ lệ nữ giữ vị trí chủ chốt tại các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương; các giải pháp để giải quyết các vấn đề: phụ nữ di cư trở về địa phương; lượng lao động nữ được hưởng chế độ thai sản, chính sách ưu đãi trong chăm sóc sức khỏe phụ nữ…
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng bày tỏ qua hội nghị, đã được học hỏi nhiều về tầm suy nghĩ, mong muốn và khát vọng của phụ nữ, giúp bổ sung thêm thông tin cho việc chỉ đạo điều hành của Chính phủ và cũng là cơ hội để chia sẻ, giãi bày những vấn đề trong chính sách với sự phát triển của phụ nữ.
Thủ tướng cho rằng phụ nữ Việt Nam là biểu tượng của sự hy sinh, hiền hậu, đảm đang, đúng như câu thơ "vì con sống mẹ suốt đời lam lũ, vì con vui mẹ gánh hết đau buồn", đã được phát huy trong nhiều giai đoạn.
Nhìn lại những nỗ lực một năm qua, Thủ tướng cho hay những kết quả phòng chống dịch, kiểm soát dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế - xã hội, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ... thì vai trò đóng góp của phụ nữ rất lớn.
Phụ nữ thường được gọi là "phái yếu", là sự tinh tế, dịu dàng, hiền hậu, khiêm tốn, song Thủ tướng cho rằng phụ nữ có "sức mạnh mềm". Đó là sự kiên cường, bền bỉ, dẻo dai, khả năng chống chịu. Bởi vậy đã có những phụ nữ thành đạt, được tôn vinh và đóng góp lớn cho xã hội. Số doanh nhân nữ làm chủ đạt trên 26%, mô hình làm kinh tế của phụ nữ mang lại hiệu quả.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và lãnh đạo một số bộ, ngành tham gia đối thoại với phụ nữ. Ảnh Cổng TTĐT chính phủ
Thủ tướng nhấn mạnh Nhà nước luôn quan tâm nhất quán là đảm bảo sự bình đẳng trên tất cả lĩnh vực. Theo đó, đã có nhiều chính sách quan trọng được ban hành, giúp cải cách chính sách về bình đẳng giới, các dự án phụ nữ khởi nghiệp… góp phần tăng cường vai trò và vị trí của phụ nữ.
"Tuy vậy, vẫn còn nhiều việc phải làm, vì định kiến về giới, nhận thức thực hiện bình đẳng giới một số nơi còn hạn chế, cơ chế phối hợp chưa hiệu quả. Nhiều phụ nữ còn khó khăn, chị em làm việc khu vực phi chính thức còn đối diện với rủi ro, chăm sóc sức khỏe chưa hoàn thiện…" - Thủ tướng chỉ ra.
Với các kiến nghị, Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành rà soát các chính sách bình đẳng giới, quyền lợi cho phụ nữ ở mọi lĩnh vực, tháo gỡ về trình tự, thủ tục… Chính phủ sẽ nghiên cứu chính sách đảm bảo an sinh xã hội cho phụ nữ, như lao động, đào tạo, bảo hiểm, nhà ở, nhà trẻ, trường học...
Trong đó, các bộ ngành cần tập trung chính sách hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, kết nối hệ thống doanh nghiệp, bảo hiểm y tế, chăm sóc sức khỏe; hỗ trợ thương hiệu, chất lượng với sản phẩm, đặc biệt là sản phẩm OCOP; xây dựng chương trình giáo dục làm cha mẹ, đủ chỗ học an toàn cho trẻ em…