TIN TỔNG HỢP KHÁC
Hội nghị “Nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân; chủ động thích ứng linh hoạt, góp phần phục hồi nhanh, phát triển bền vững”
24/08/2022 12:00:00


Cập nhật: 21/08/2022 9:05:00 CH

Sáng 21/8, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân; chủ động thích ứng linh hoạt, góp phần phục hồi nhanh, phát triển bền vững. Dự hội nghị có Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; lãnh đạo các bộ, ngành liên quan. Hội nghị được kết nối tới các tỉnh, thành phố trên cả nước.

Dự hội nghị tại điểm cầu UBND tỉnh Hải Dương có đồng chí Nguyễn Minh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và đại diện các sở, ngành, đơn vị liên quan.

Đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu trực tuyến UBND tỉnh Hải Dương

Báo cáo tại hội nghị, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nêu rõ: Dưới sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, sự giám sát chặt chẽ của Quốc hội và nỗ lực của cả hệ thống chính trị, công tác y tế trong giai đoạn vừa qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần quan trọng vào thành tựu chung của đất nước. Về cơ bản, ngành Y tế đạt được các chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao và đạt được một số kết quả tích cực như: Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế tăng từ 81,7% năm 2016 lên 91,01% năm 2021 (vượt chỉ tiêu Quốc hội giao là 80% năm 2020 sớm hơn 4 năm). Ước vượt chỉ tiêu giao năm 2022 của Quốc hội và Chính phủ về số bác sĩ trên 10.000 dân và số giường bệnh trên 10.000 dân, đạt 10 bác sỹ (chỉ tiêu giao là 9,4/10.000); số giường bệnh trên 10.000 dân đạt 30,5 giường bệnh (chỉ tiêu giao là 29,5/10.000).

Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá là điểm sáng trong việc thực hiện các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ lĩnh vực y tế. Trong giai đoạn 2000-2021: Tỷ số tử vong mẹ trên 100.000 trẻ đẻ sống đã giảm 3,75 lần; tỷ suất tử vong trẻ dưới 5 tuổi và dưới 1 tuổi giảm xấp xỉ 3 lần. Tầm vóc người dân được cải thiện rõ rệt. Tuổi thọ trung bình cao hơn trung bình thế giới và nhiều nước có mức thu nhập bình quân đầu người tương đương…

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, trong công tác y tế còn nhiều vấn đề tồn tại, hạn chế cần tập trung xử lý sớm, cụ thể: Tình trạng thiếu thuốc, thiết bị, vật tư y tế xảy ra tại nhiều cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; hệ thống thể chế còn nhiều bất cập, quy định cho phép việc mua sắm, đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế, đầu tư còn nhiều hạn chế như trong phòng, chống dịch giai đoạn vừa qua; các vấn đề về tài chính y tế còn nhiều bất cập như mệnh giá bảo hiểm y tế, tự chủ bệnh viện, thanh toán bảo hiểm y tế, liên doanh liên kết, xã hội hóa, hợp tác công tư. Giá dịch vụ y tế chậm điều chỉnh, chưa tính đúng, đủ chi phí thực tế, gây ảnh hưởng đến hạch toán thu chi của các cơ sở khám chữa bệnh, nhất là trong bối cảnh các bệnh viện thực hiện theo cơ chế tự chủ. Đổi mới phương thức chi trả theo nhóm chẩn đoán, theo định suất chậm được thực hiện.

Thời gian tới, ngành Y tế sẽ tiếp tục tập trung kiểm soát dịch Covid-19 và các bệnh truyền nhiễm lưu hành có hiệu quả để góp phần thúc đẩy phục hồi nhanh và phát triển bền vững kinh tế - xã hội; tập trung công tác xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về mua sắm, đấu thầu, bảo đảm thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế đáp ứng yêu cầu; xã hội hóa, quản trị đơn vị sự nghiệp công; tiêm vắc xin là biện pháp chiến lược quan trọng nhất, quyết định trong phòng, chống dịch; bảo đảm tiến độ tiêm theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19; đổi mới công tác y tế dự phòng và nâng cao sức khỏe cho người dân, bảo đảm an toàn, an ninh y tế...

Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, phân tích nguyên nhân, rút ra các bài học kinh nghiệm và đưa ra những giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ Nhân dân thời gian tới. Trong đó, đáng chú ý có những vấn đề đang nổi cộm hiện nay, như: Tình trạng nghỉ việc, bỏ việc của nhân viên y tế tại các cơ sở y tế khu vực công lập. Công tác hoàn thiện thể chế, xây dựng văn bản pháp luật vẫn còn chậm, thiếu linh hoạt, chưa đáp ứng yêu cầu của quản lý và thực tiễn. Tình trạng thiếu thuốc, vật tư, thiết bị y tế cục bộ tại nhiều cơ sở y tế trên toàn quốc. Chế độ, chính sách đãi ngộ, thu hút nguồn nhân lực ngành y tế chưa bảo đảm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của phần lớn cán bộ y tế; chưa tương xứng nếu so sánh với quá trình đào tạo và với các ngành, lĩnh vực khác. Tiến độ tiêm vắc xin phòng COVID-19 ở một số địa phương không đạt tiến độ, nhất là tiêm mũi 3, mũi 4 và tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi; công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, hướng dẫn và tổ chức thực hiện việc tiêm chủng ở các cấp, các ngành, địa phương chưa thực sự quyết liệt. Hệ thống y tế dự phòng còn bộc lộ nhiều hạn chế, nhất là tại tuyến y tế cơ sở...

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận, đánh giá cao những đóng góp của ngành Y tế thời gian qua, đồng thời chia sẻ với những khó khăn của lực lượng tuyến đầu trong phòng, chống dịch Covid-19 trong hơn 2 năm qua. Đồng chí nhận định công tác y tế thời gian tới tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là khi tình hình dịch bệnh trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp, khó lường. Thủ tướng Chính phủ đề nghị ngành Y tế cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ theo hướng thực chất, hiệu quả và bền vững; nêu cao tinh thần y đức, làm giàu y lý (lý luận y học), y thuật, đoàn kết, chung sức, đồng lòng vì sức khỏe, sinh mệnh của Nhân dân; triển khai các nhiệm vụ có trọng tâm, trọng điểm, ứng phó hiệu quả với những vấn đề phát sinh.

Ngành Y tế cùng các địa phương tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt, bám sát tình hình dịch Covid-19 để chủ động phòng, chống hiệu quả với từng diễn biến dịch, không để dịch bùng phát trở lại; đẩy mạnh tiêm vắc-xin phòng Covid-19 một cách an toàn, khoa học, hiệu quả; tập trung cho công tác quy hoạch mạng lưới y tế và giải ngân đầu tư công để tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế tập trung xây dựng Đảng bộ Bộ Y tế trong sạch, vững mạnh; tập trung kiện toàn bộ máy của bộ và các cấp; khẩn trương rà soát, hoàn thiện chính sách về y tế cả trước mắt và lâu dài; tăng cường công tác phân cấp, phân quyền và phân bổ nguồn lực gắn với đó là tăng cường kiểm tra, giám sát. Nghiên cứu, giao một số bệnh viện thuộc Bộ Y tế cho các địa phương quản lý; sớm nghiên cứu, đề xuất các chính sách hỗ trợ cho cán bộ, nhân viên ngành y tế; sớm hoàn hoàn thiện phương án tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế; rà soát các quy định về phát triển y tế công tư; đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế...

Nguồn: PV

nguồn: http://haiduong.gov.vn/Trang/ChiTietTinTuc.aspx?nid=12929&title=hoi-nghi-%E2%80%9Cnang-cao-cong-tac-cham-soc-suc-khoe-nhan-dan-chu-dong-thich-ung-linh-hoat-gop-phan-phuc-hoi-nhanh-phat-trien-ben-vung%E2%80%9D.html 

Trang Thông tin điện tử xã Lê Ninh, TX Kinh Môn, tỉnh Hải Dương

Phụ trách: Vũ Văn Thành - PCT UBND
Email:  vuthanh3008@gmail.com
BTV: Lương Văn Đoàn; Ninh Minh Dương; Nguyễn Thị Lương.
 
Số lượt truy cập
Đang truy cập: 0
Hôm nay: 0
Tất cả: 0