GIÁO DỤC-Y TẾ
Nhiều ý kiến phản biện về đề xuất trình HĐND tỉnh mức thu học phí tại các trường mầm non, giáo dục phổ thông công lập
24/06/2022 12:00:00


Cập nhật: 24/06/2022 9:31:00 SA

Chiều 23/6, Ủy ban MTTQ tỉnh tổ chức Hội nghị phản biện xã hội đối với 2 dự thảo Nghị quyết dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh khóa XVII.

Đồng chí Nguyễn Đnh Xiển, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh chủ trì hội nghị

Tham dự hội nghị có đại diện lãnh đạo các Ban HĐND tỉnh; Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh; đại diện Sở Tài chính, Sở Giáo dục và Đào tạo; chuyên gia lĩnh vực liên quan; Hội đồng tư vấn về Kinh tế - xã hội, Dân chủ - Pháp luật Ủy ban MTTQ tỉnh.

Tại hội nghị, đại diện Sở Tài chính báo cáo, nêu ra những căn cứ trên cơ sở các văn bản pháp lý, tình hình thực tế của tỉnh để soạn thảo văn bản tham mưu cho UBND tỉnh trình HĐND tỉnh khóa XVII ban hành 2 dự thảo Nghị quyết về "Quy định mức thu, chế độ thu, nộp quản lý, sử dụng học phí và các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục tại các trường mầm non, giáo dục phổ thông công lập trên địa bàn tỉnh Hải Dương"; "Sửa đổi, bổ sung mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng một số khoản phí, lệ phí đã được quy định tại Nghị quyết số 17/2016/NQ-HĐND ngày 05/10/2016 của HĐND tỉnh Hải Dương".

Tại hội nghị, đã có 8 ý kiến phát biểu phản biện. Các ý kiến tham gia đều cho rằng việc ban hành 2 nghị quyết rất cần thiết, phù hợp với chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước và tình hình thực tế của tỉnh.

Các đại biểu đều nhất trí đối với tờ trình và dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng một số khoản phí, lệ phí đã được quy định tại Nghị quyết số 17/2016/NQ-HĐND ngày 05 tháng 10 năm 2016 của HĐND tỉnh Hải Dương.

Đối với dự thảo Nghị quyết quy định mức thu, chế độ thu, nộp quản lý, sử dụng học phí và các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục tại các trường mầm non, giáo dục phổ thông công lập trên địa bàn tỉnh Hải Dương còn có nhiều ý kiến khác nhau.

Có ý kiến đồng tình với phương án đề xuất của Sở Tài chính, có ý kiến băn khoăn và đề xuất mức thu học phí, thời gian áp dụng và các khoản thu không quy định mức thu, mức trần do thỏa thuận với cha mẹ học sinh... cần trao đổi, làm rõ thêm. Có ý kiến đồng tình với mức đề xuất của Sở Tài chính mức thu học phí trong năm học 2022 - 2023 trên địa bàn tỉnh ở mức thấp nhất so với khung học phí quy định tại Nghị định 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 của Chính phủ đối với các cấp học. Mức tăng này ở trong biên độ thấp nhất theo quy định, phù hợp với lộ trình tăng theo quy định tại Nghị định 81/2021/NĐ-CP của Chính phủ.

Theo đó, khung học phí cho cấp mầm non từ năm 2022-2023 sẽ là 300.000 đồng/năm đối với khu vực thành thị, 125.000 đồng/năm đối với khu vực nông thôn, 60.000 đồng/năm đối với khu vực miền núi; cấp tiểu học là 300.000 đồng/năm đối với khu vực thành thị, 105.000 đồng/năm đối với khu vực nông thôn, 50.000 đồng/năm đối với khu vực miền núi; cấp trung học cơ sở là 300.000 đồng/năm đối với khu vực thành thị, 130.000 đồng/năm đối với khu vực nông thôn, 100.000 đồng/năm đối với khu vực miền núi; cấp THPT, giáo dục thường xuyên chương trình THPT là 320.000 đồng/năm đối với khu vực thành thị, 200.000 đồng/năm đối với khu vực nông thôn, 120.000 đồng/năm đối với miền núi; hướng nghiệp là 55.000 đồng/năm đối với khu vực thành thị, 50.000 đồng/năm đối với khu vực nông thôn, 45.000 đồng/năm đối với khu vực miền núi và lộ trình từ năm học 2023-2024 trở đi, khung học phí được điều chỉnh không quá 7%/năm.

Lý giải về điều này, vì mức tăng như vậy so với mặt bằng thu nhập chung của người dân tỉnh Hải Dương không thấp, đảm bảo sự hài hòa với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và của cả nước; đồng thời góp phần đầu tư nhiều hơn về cơ sở vật chất phục vụ dạy và học, lương của giáo viên được cải thiện, chất lượng giáo dục được nâng cao.

Tuy nhiên, có ý kiến băn khăn cho rằng đề xuất mức tăng ở khung thấp nhất là hợp lý song cần xem xét cân đối mức thu đối với khu vực miền núi để phù hợp với thực tế của tỉnh Hải Dương. Hiện nay số xã thuộc khu vực miền núi không nhiều, đời sống thu nhập của người dân so với nông thôn gần ngang bằng, vì vậy có sự ưu tiên nhưng không nên đề mức chênh lệch nhiều so với khu vực nông thôn, cần điều chỉnh cho hợp lý.

Đại biểu tham gia phản biện tại hội nghị

Nhiều ý kiến đề xuất chưa nên áp dụng trong năm học 2022-2023 vì người dân vừa trải qua ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, đời sống người dân vẫn còn khó khăn, bên cạnh đó giá nhiều loại hàng hoá tiêu dùng tăng kéo theo chi phí sinh hoạt tăng; tâm tư của người dân hiên nay mong muốn mức thu học phí sẽ thực hiện ở mức thấp nhất so với quy định hoặc giữ nguyên mức quy định như hiện nay, vì mức tăng so với đề xuất hơi ''sốc'', cần thực hiện việc tăng học phí dần dần và đảm bảo hài hòa so với mức chi tiêu và mức thu nhập trung bình của người dân. Song song với việc thực hiện tăng học phí, cần quan tâm đầu tư cơ sở vật chất đảm bảo cho việc dạy và học, để con em của họ phải được hưởng môi trường giáo dục tốt hơn.

Ngoài ra, các ý kiến đề nghị làm rõ, quy định cụ thể các khoản dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục tại các trường mầm non, giáo dục phổ thông công lập. Vì đây là vấn đề nhân dân, các bậc phụ huynh quan tâm, băn khoăn. Đề nghị cơ quan soạn thảo cần cụ thể danh mục các khoản thu dịch vụ hỗ trợ hoạt động giáo dục như: tiền ăn bán trú, mua sắm dụng cụ, đồ dùng phục vụ nấu ăn bán trú và đồ dùng cá nhân học sinh, quần áo đồng phục... với mức thu phù hợp, tránh tình trạng lạm thu ở các trường. Sau khi triển khai cần tăng cường kiểm tra, giám sát các khoản thu ngoài danh mục tại các trường, đảm bảo công khai, minh bạch. Bên cạnh đó các ý kiến đề nghị cơ quan tham mưu soạn thảo văn bản cần sửa đổi tiêu đề của dự thảo Nghị quyết, nên bỏ cụm từ ''chế độ thu, nộp quản lý, sử dụng học phí'' vì trong nội dung văn bản không đề cập đến ''chế độ thu, nộp quản lý, sử dụng học phí''.

Sau khi nghe các ý kiến phản biện của các đại biểu, đại diện lãnh đạo Sở Tài chính, Sở Giáo dục và Đào tạo giải trình, làm rõ những vấn đề đại biểu nêu ra, đồng thời nghiên cứu tiếp thu chỉnh sửa bổ sung cho phù hợp, đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp và thực thi của dự thảo nghị quyết.

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Đình Xiển, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh đánh giá cao các ý kiến tham gia phản biện; các đại biểu đã giành thời gian, trí tuệ, công sức nghiên cứu kỹ các văn bản để nêu ra nhiều ý kiến xác đáng, phù hợp với chủ trương đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và hình thực tế của tỉnh. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh sẽ tổng hợp đầy đủ các ý kiến phản biện của các đại biểu, gửi tới Sở Tài chính nghiên cứu tiếp thu theo quy định./.

Nguồn: Trang TTĐT Uỷ ban MTTQ tỉnh

nguồn: http://haiduong.gov.vn/Trang/ChiTietTinTuc.aspx?nid=12532&title=nhieu-y-kien-phan-bien-ve-de-xuat-trinh-hdnd-tinh-muc-thu-hoc-phi-tai-cac-truong-mam-non-giao-duc-pho-thong-cong-lap.html 

Trang Thông tin điện tử xã Lê Ninh, TX Kinh Môn, tỉnh Hải Dương

Phụ trách: Vũ Văn Thành - PCT UBND
Email:  vuthanh3008@gmail.com
BTV: Lương Văn Đoàn; Ninh Minh Dương; Nguyễn Thị Lương.
 
Số lượt truy cập
Đang truy cập: 0
Hôm nay: 0
Tất cả: 0